Powered By Blogger

Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

TỶ PHÚ CÂY CẢNH 1

Tỷ phú trẻ Phạm Văn Quỳnh
Mới 30 tuổi, nhưng đã có trong tay một nhà vườn lớn với hàng nghìn cây cảnh quý hiếm, anh Phạm Văn Quỳnh, ở xã Hồng Vân, huyện Thường Tín - Hà Tây từ lâu đã được nhiều người biết đến như một ông chủ tài năng mà trẻ tuổi.


Trở thành tỷ phú từ hai bàn tay trắng

Đến xã Hồng Vân-huyện Thường Tín-tỉnh Hà Tây, hỏi nhà anh Quỳnh cây cảnh, không ai là không biết. Đó là ngôi nhà sàn bằng gỗ được xây trên mảnh đất khoảng 7000m2, xung quanh được bao bọc bởi một rừng cây cảnh xanh mướt. Chủ nhân của nó, anh Quỳnh là một người trẻ tuổi hết sức nhiệt tình. Anh hào hứng kể về bước đường đến với nghề cây cảnh của mình từ khi mới rời ghế nhà trường. Lúc đó là những năm 90, khi biết mình không đỗ đại học, anh Quỳnh không nản mà quyết chí làm giàu. 18 tuổi, anh Quỳnh một mình lặn lội vào miền Nam học nghề, sau đó về quê dốc hết vốn liếng vào nuôi gà công nghiệp, nhưng không mang lại kết quả, mà lại còn phải gánh món nợ 100 triệu đồng. Sau đó, anh loay hoay chuyển sang làm nhiều nghề khác để kiếm sống nhưng đều không thành. Nhiều đêm không ngủ được, anh cứ tự hỏi, tại sao không thể làm giàu ngay tại quê mình?

Vốn là người yêu thiên nhiên, mê cây cảnh từ nhỏ, lại nhận thấy nhu cầu về cây cảnh của Hà Nội tăng nhanh, anh Quỳnh quyết định vay mượn 1 triệu đồng để mua 100 cây đa giống. Chỉ thử là thế, mà không ngờ sau 1 năm, 100 cây đa đó đã thu về cho anh hơn 100 triệu đồng tiền lãi. Quá bất ngờ, anh Quỳnh mạnh dạn mua tiếp 2 vạn cây giống và thuê 4.000 m2 đất canh tác để trồng cây giống. “Mình thường mua mỗi cây con nhỏ khoảng 500đ, sau đó về trồng một năm đã bán được khoảng 30nghìn/cây. Nếu trồng khoảng 2 năm thì bán được 150-200 nghìn/ cây. Cứ như thế nhân lên…Hiện giờ trong vườn nhà mình có khoảng 1000-1500 cây cảnh. Ngoài ra còn vườn vệ tinh xung quanh đây nữa cũng có khoảng gần 10 cây, toàn những cây có giá trị hàng trăm triệu đồng”, anh Quỳnh chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Để hiểu hơn về cây cảnh cũng như cách chăm bón và cắt tỉa sao cho nghệ thuật, anh Quỳnh đã đến nhiều nơi có nghề trồng cây cảnh lâu năm để học hỏi kinh nghiệm. Những nơi có tiếng về cây cảnh ở Nam Định, Hà Nam, Hà nội… anh Quỳnh đều tìm đến và lân la học hỏi. Vườn cây cảnh đã được anh chăm sóc hết sức cầu kỳ. Đối với 1 số loại cây, anh Quỳnh lặn lội mua giống cây ở Văn Giang, Hưng Yên rồi mang về trồng, chăm sóc vài ba năm rồi đưa vào chậu, sau đó nắn, vít, tưới tắm làm sao để cây có gốc và bộ rễ đẹp, sau đó mới lại cắt tỉa cành, lá…

Liên tục đầu tư từ năm 1994 đến nay, diện tích vườn cây cảnh của anh hiện đã lên đến 27.000m2, được quy hoạch làm nhiều khu vực chức năng như: khu vực ươm cây giống, trồng cây thô, uốn thế, nhà sàn, non bộ. Anh cũng dành nhiều thời gian để đi sưu tầm những cây trồng lâu năm về chăm sóc, tạo thế cho cây. Nhiều cây xanh, lộc vừng của anh có giá trị hàng trăm triệu đồng, thậm chí có những cây được trả giá tới vài tỷ đồng.

Muốn kinh doanh tốt, phải am hiểu về mặt hàng và nhu cầu của thị trường. Anh Quỳnh cũng dành nhiều thời gian để nghiên cứu các trường phái chơi cây cảnh, tìm hiểu các kỹ năng cắt, tỉa, tạo dáng cây. Theo anh Quỳnh thì:" cây cảnh có 3 trường phái chơi. Một là người ta thích chơi những cây cảnh tự nhiên. Hai là chơi cây thế. Ba là cây kỳ hoa dị thảo. Mỗi trường phái đều có một nét đẹp riêng của nó. Mình làm kinh doanh nên cái gì đẹp là mình làm, thế nên trong vườn nhà mình có cả ba loại này, đáp ứng đủ các yêu cầu của khách hàng". Ngoài ra, trong vườn nhà anh Quỳnh, cũng có cả những cây cảnh đơn giản, để đáp ứng nhu cầu chơi cây, chơi hoa của giới bình dân. Vì vậy, lượng khách đến với vườn cây nhà anh ngày một đông : "Có những năm doanh thu của mình được khoảng 3-4 tỷ, có năm doanh thu được khoảng 5 tỷ, năm 2007 rồi mình thu được khoảng 4 tỷ. Còn đầu năm nay mình đã thu được khoảng 2 tỷ rồi", anh Quỳnh cho biết.

Ý tưởng về làng nghề cây cảnh

Vừa biết làm giàu cho bản thân, anh Phạm Văn Quỳnh còn hăng hái giúp đỡ các bạn trẻ trong thôn, xã phát triển nghề trồng cây cảnh. Từ một xã khó khăn về kinh tế, thu nhập chỉ trông vào hạt thóc củ khoai, đến nay Hồng Vân đã có 200 nhà vườn trong đó trên 50% do thanh niên làm chủ, góp phần giải quyết việc làm cho trên 400 lao động trẻ.

Vừa qua, đã có một Việt kiều Úc và 1 giáo sư người Nhật tìm đến anh Quỳnh để tìm hiểu và nghiên cứu phương pháp trồng cây cảnh của anh.

Mặc dù vất vả, nhưng bên cạnh anh Quỳnh luôn có sự động viên và hỗ trợ của người vợ trẻ, chị Bích Huệ. Chính chị là người đã luôn có lòng tin vào anh, mặc dù đã có lúc anh thất bại. “Đầu tiên khi anh Quỳnh chuyển sang làm nghề cây cảnh, em rất lo. Nhưng sau một hai năm có hiệu quả thì em hoàn toàn ủng hộ. Nghề này có những vất vả, nhưng vì mình đam mê, thích thú với công việc nên quên đi hết mệt mỏi để cùng cố gắng với chồng làm cho hoàn thiện hơn”, chị Huệ nói.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai của mình, anh Quỳnh cho biết: “Khi mình vào Hội An, thấy trong đó cũng có những ngôi nhà vườn rất đẹp. Về đây mình nhìn thấy tiềm năng của xã mình, có nghề trồng cây cảnh, nên muốn đưa nơi đây trở thành một làng nghề. Dự kiến của mình là sẽ đề xuất với tỉnh cấp bằng làng nghề, đồng thời quy hoạch làng thành làng sinh thái để phục vụ du lịch”.

Căn nhà sàn rộng gần 100m2 của anh Quỳnh nay luôn rộn ràng và trở thành nơi giao lưu, dừng chân của hàng trăm đoàn khách từ Hải Phòng, Hưng Yên, Nam Định…đến học hỏi kinh nghiệm trồng và kinh doanh cây cảnh. Anh Phạm Văn Quỳnh cũng là người được vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của - giải thưởng của TW Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh dành cho những thanh niên nông thôn có thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động sản xuất năm vừa qua.

(VietnamNetJobs) Trả Lời Với Trích Dẫn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét